Nhập Khẩu Phế Liệu Vào Việt Nam Dần Dần Được Siết Chặt

03/06/2019  Tin Tức

Chính phủ siết chặt quy định nhập khẩu phế liệu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 40/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, trong đó có sửa đổi, bổ sung quy định về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Cổng thông tin điện tử Chính Phủ cho biết, theo quy định mới, phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu được lựa chọn làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa khẩu nhập hoặc cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu (cơ sở sản xuất); được lựa chọn địa điểm kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu tại cửa khẩu nhập hoặc tại cơ quan hải quan nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu hoặc tại cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu.

Phế liệu nhập khẩu chỉ được phép dỡ xuống cảng khi đáp ứng các yêu cầu sau:

– Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên Bản lược khi hàng hóa (E-Manifest) có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và còn khối lượng phế liệu nhập khẩu;

– Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên E-Manifest có Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu đối với phế liệu ghi trên E-Manifest theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 57 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện trên trước khi cho phép dỡ phế liệu xuống cảng. Nghị định 40/2019/NĐ-CP cũng nêu rõ các tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu dưới đây mới được phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất:

Đáp ứng các yêu cầu và trách nhiệm về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 76 Luật bảo vệ môi trường; Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với các dự án đã đi vào vận hành.

Đối với dự án mới xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 16b và Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra phải có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật.

Đề xuất cưỡng chế đưa phế liệu nguy hại ra khỏi Việt Nam

Theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, nếu không vận chuyển phế liệu/chất thải nguy hại ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hãng tàu có thể sẽ bị dừng cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất phương án xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 15-2, có hơn 23.000 container phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển thuộc Cục Hải quan các tỉnh, TP. Trong đó, có 9.825 container đã lưu giữ trên 90 ngày.

Lượng hàng phế liệu tồn nhiều nhất là ở Bà Rịa – Vũng Tàu với 9.468 container, tiếp theo là Hải Phòng và TP HCM với lần lượt 6.082 container và 4.689 container.

Với 9.825 container đã lưu giữ trên 90 ngày, Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, TP thông báo tìm chủ hàng. Nhưng đến nay, chỉ 955 container có người đến nhận hoặc xác định được chủ hàng, chiếm tỉ lệ chưa đến 10%.

Hiện có hơn 23.000 container phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển.

Trước tình trạng trên, Bộ Tài chính cho rằng cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm toàn bộ các lô hàng phế liệu tồn đọng. Trong đó, đặc biệt lưu ý khâu xử lý các lô phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, bộ này đề xuất 2 phương án xử lý sau khi đã kiểm kê, phân loại hàng hóa tồn đọng theo các loại: chất thải , chất thải nguy hại, phế liệu tồn đọng…

Phương án 1

Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn, cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trường hợp hãng tàu không thực hiện, cơ quan hải quan lập danh sách các hãng tàu để làm cơ sở kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam.

Quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan thông báo, nếu hãng tàu chưa thực hiện vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức tiêu hủy. Chi phí tiêu hủy trích từ tiền thu được sau khi bán đấu giá đối với lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường.

Phương án 2

Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức bán đấu giá toàn bộ các lô hàng tồn đọng, bao gồm cả hàng phế liệu đạt và không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Doanh nghiệp trúng đấu giá có trách nhiệm tiêu hủy với các lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Tuy nhiên, với phương án này, khó khăn nằm ở chỗ chi phí tiêu hủy lớn, doanh nghiệp sẽ không đăng ký tham gia đấu giá để thu mua các loại phế liệu này.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiêng về phương án 1

Cục Giám sát quản lý về hải quan dự đoán trong năm 2019, phế liệu sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam. Chính phủ và các bộ ngành đang triển khai đồng bộ các biện pháp, vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về nhập khẩu nhựa phế liệu

Theo Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), từ 1/1/2019, Trung Quốc tiếp tục bổ sung thêm 8 chủng loại phế liệu vào danh sách cấm nhập khẩu (tăng từ 24 chủng loại năm 2018 lên 32 chủng loại). Đáng chú ý, Malaysia đứng đầu danh sách nhập khẩu (NK) phế liệu nhựa trên thế giới, thế nhưng từ năm 2019, Malaysia cũng gần như cắt giảm hầu hết danh mục phế liệu được phép NK.

Cục Giám sát quản lý về Hải quan dự đoán, năm 2019 phế liệu sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam, có khả năng xuất hiện thủ đoạn buôn lậu qua đường bộ.

Qua đánh giá của các tổ chức kinh tế, môi trường trên thế giới, nếu năm 2017, Việt Nam là thị trường đứng thứ 4 thế giới về NK phế liệu nhựa (sau Trung Quốc, Malaysia). Tuy nhiên, đến năm 2018 sau khi Trung Quốc đưa ra lệch cấm Nhập khẩu 24 loại phế liệu thì Việt Nam đột ngột trở thành thị trường đứng thứ 2 thế giới về NK phế liệu nhựa, chỉ sau Malaysia.

Thống kê mới đây của Bộ Công Thương cũng cho thấy, 2 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu khoảng 525.000 tấn phế liệu sắt thép, trị giá khoảng 149 triệu USD.

Trước thực tế trên, Tổng cục Hải quan đang chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý. Một mặt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện NK được thông quan nhanh lô hàng đủ điều kiện phục vụ nhu cầu sản xuất, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với Cục Điều tra chống buôn lậu, ngoài việc tập trung xác minh, xử lý các trường hợp vị phạm, hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, đơn vị đang tập trung xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về quản lý NK phế liệu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Lượng phế liệu tiếp tục đổ về, trong khi số tồn đọng vẫn chưa được giải phóng hết, khiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở các cảng biển lớn gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 22/3, một lãnh đạo Cục Giám sát quản lý về Hải quan cho hay, hiện nay tại các cảng lớn của Việt Nam như Hải Phòng, Cát Lái, Thị Vải, Cái Mép vẫn còn tồn đọng khoảng 10.000 container hàng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó, riêng tại Cục Hải quan TP.HCM còn khoảng 3.000 container, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) còn khoảng 1.400 container.

Thêm nhiều doanh nghiệp bị “sờ gáy”

Trong một diễn biến khác, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đang xác minh một số doanh nghiệp NK phế liệu có dấu hiệu vi phạm để kịp thời xử lý.

Mới nhất là trường hợp của Cty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trung Thanh (Cty Trung Thanh- trụ sở tại Đồng Tháp). Công ty này được Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) Đồng Tháp cấp 2 giấy chứng nhận đủ điều kiện NK phế liệu số 2010 ngày 31/12/2013; số 2221 ngày 19/12/2014 và một giấy xác nhận đủ điều kiện NK phế liệu số 557 ngày 11/3/2016. Trong đó, giấy chứng nhận số 2221 hết hạn vào ngày 19/12/2015 và giấy xác nhận 557 được ký vào 11/3/2016. Như vậy, từ 20/12/2015 đến 10/3/2016, Cty Trung Thanh không đủ điều kiện NK phế liệu. Song thực tế, trong thời gian này, một Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Tháp vẫn ký một số văn bản thông báo về lô hàng phế liệu NK để công ty này sử dụng làm hồ sơ NK phế liệu.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, quá trình điều tra, xác minh, đơn vị nhận thấy doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động từ giữa năm 2016, do đó việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đang phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục xác minh trường hợp này.

Tại Đồng Nai, qua thanh tra hoạt động nhập khẩu phế liệu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất trên địa bàn từ năm 2013 đến nay, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 3 DN có hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng phế liệu NK, với việc bán lại phế liệu cho tổ chức, cá nhân khác và sử dụng phế liệu NK không đúng địa chỉ theo giấy chứng nhận.

Trong số đó, Công ty TNHH P. đã bán trên 71 tấn phế liệu và mẩu vụn của plastics cho các tổ chức, cá nhân khác. Công ty CP Thép B.H cũng đã bán trên 226 tấn phế liệu thép cho một DN khác.

Ngoài ra, Cty VLXD Đ.N có hành vi sử dụng gần 1.846 tấn phế liệu xỉ hạt nhỏ NK không đúng địa chỉ theo giấy chứng nhận.

Trước những vi phạm trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý hành vi vi phạm 3 DN.

Tổng hợp

Hotline